Các Bạn ở Việt Nam muốn xem tin tức cập nhật mỗi ngày xin hãy nhấn vào ▼Blog dưới đây http://www.conghoaxahoichunghiavietnam.blogspot.com/
|
(Huyền Thoại đọc)
Lịch sử Việt Nam cận đại đã khắc ghi những nét thật đậm về 2 nhân vật lãnh đạo đã in sâu trong lòng dân Việt cũng như trong tâm trí thế giới với nhiều tiếng khen chê lẫn lộn. Tại miền Bắc, Hồ Chí Minh Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã được chế độ cộng sản tô bóng thành một nhà cách mạng vĩ đại, một vị cha già dân tộc đã hy sinh cả cuộc đời cho dân cho nước. Hình ảnh xác ướp của ông tại lăng Ba Đình cũng như tên của ông thay tên Sài Gòn tại thủ đô miền Nam đã thể hiện ý hướng tôn vinh đó. Tại miền Nam, Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, sau khi nhậm chức cũng được suy tôn “Ngô Tổng Thống muôn năm” nhưng sau một thời gian không lâu, đã bị chính những người thân tín của mình cấu kết với ngoại bang hạ bệ và giết chết một cách thê thảm đến nỗi một cái tên cũng không còn được ghi trên nấm mộ hoang lạnh tại một nghĩa trang hẻo lánh ở Lái Thiêu!
Hôm nay, sau nửa thế kỷ, hình ảnh của cả hai nhân vật nói trên đang được vẽ lại với những nét thực hơn dưới ngòi bút của Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy cũng như Nguyễn Thuyên, Phạm Kim Vinh, Nguyễn Văn Minh, Đỗ Thông Minh, Minh Võ.. Đăc biệt, Minh Võ đã dồn hết thì giờ của tuổi xế chiều để làm một việc có thể gọi là “vén màn lịch sử”. Tác phẩm Tâm Sự Nước Non, Ai Giết Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp, Ngô Đình Diệm, Lời Khen Tiếng Chê, và hôm nay, Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc là những nỗ lực vén màn lịch sử đáng khích lệ mà theo ngôn ngữ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, là “những tia sáng thình lình soi tỏ mọi ngóc ngách tăm tối, bí ẩn của lịch sử”.
Tác phẩm Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân tộc gồm 466 trang, chia làm 4 phần gồm 13 chương, phân tích ngọn ngành các sự kiện lịch sử liên quan đến chính sách cai trị của nhà Ngô, cuộc đảo chánh với cái chết thê thảm của hai anh em Diệm Nhu, cũng như những nhận định của một số chính khách tên tuổi như Tổng Thống Kennedy, Nixon, Johnson, Mac Namara và kể cả Hồ Chí Minh. Một cách tổng quát, tác phẩm đã vén màn một số bí ẩn lịch sử như sau:
- Ngô Đình Diệm có lỗi đạo trung quân với cựu hoàng Bảo Đại không?
- Ngô Đình Diệm có thật sự thiên vị người công giáo và muốn biến công giáo thành quốc giáo không?
- Ngô Đình Diệm có chủ trương đàn áp Phật Giáo không?
- Ngô Đình Diệm có mang tội bán nước khi có ý hướng hiệp thương với Miền Bắc không?
- Ai chịu trách nhiệm thực sự về cái chết thê thảm của Diệm Nhu?
Những bí ẩn lịch sử nhức nhối đó đã được soi chiếu kỹ càng qua những dữ kiện, những chứng liệu, những nhận định tương đối khách quan, làm cho người đọc có được một cái nhìn chân xác hơn về lịch sử Việt Nam cận đại.
Thứ nhất, Ngô Đình Diệm có lỗi đạo vua tôi của một nhà nho không? Một số dư luận cho rằng, Ngô Đình Diệm đã phản bội lời thề trung thành với Hoàng Đế Bảo Đại khi được nhà vua tiến cử vào chức vụ Thủ Tướng. Minh Võ đã đưa ra những lập luận khá thuyết phục rằng, Ngô Đình Diệm đã hành xử đúng nghĩa vua tôi, như lời kể của Thủ Hiến Bắc Việt Phạm văn Bính: “Điều tôi chú trọng hơn hết ở Cụ Ngô, là đối với cựu hoàng, bao giờ cũng giữ lễ vua tôi, mặc dầu cựu hoàng đối với Cụ lúc nào cũng niềm nở.” Sự thực, Ngô Đình Diệm đã nhiều lần từ chối lời mời của cựu hoàng, không phải vì không tôn kính cựu hoàng, mà vì một lý do rất chính đáng và sâu xa là không muốn liên hệ với bọn việt gian thân Pháp:
“ Chú tâu với Ngài, nếu muốn tôi lên chầu Ngài luôn, trước hết Ngài hãy cho phép tôi quét sạch cửa ngõ, tôi không muốn bọn Việt gian thân Pháp lúc nào cũng lẩn quẩn bên Ngài.”
Sau này sau khi thoái vị, nhà vua cũng không hận ông Diệm bất trung bất tín, như lời Ngài đã xác nhận trong hồi ký Dragon D’annam: “ Ngài chỉ yêu cầu ông Diệm thề trước tượng Chúa là sẽ bảo vệ Tổ Quốc, chống cộng sản và nếu cần, chống Pháp.” Đáng nói nhất là cuối thập niên 80, tại nhà Cao Xuân Vỹ ở Cali, cựu hoàng đã tần ngần đứng trước bức hình Ngô Đình Diệm, và trả lời câu hỏi Ngài có hận ông Diệm không, Ngài thẳng thắn đáp “ Không, lỗi do tôi!”
Thứ hai, Ngô Đình Diệm có thiên vị người công giáo và muốn biến công giáo thành quốc giáo không? Có dư luận cho rằng, ông Diệm đã dành cho người công giáo nhiều đặc ân, đặc biệt là dân di cư, và tất cả những ai mưốn được thăng quan tiến chức, đều phải vào đạo công giáo, chịu phép rửa tội. Sư thực khác hẳn. Theo tác giả, ông Diệm hành xử nhiệm vụ tổng thống với tư cách một nhà nho với chủ trương tu tề trị bình hơn là một người công giáo. Tác giả viết: “ông đã dùng viện trợ Mỹ dể mở mang các tôn giáo. Chỉ nói riêng Phật Giáo, đã từng được chính phủ cấp đất cho xây chùa, khuyến khích giúp đỡ cho hàng nghìn chùa trùng tu, xây mới trong chỉ mấy năm, cho phép tăng lữ xuất ngoại du học.”
Còn việc giúp đỡ một triệu người di cư từ miền Bắc mà đa số là công giáo, cũng chỉ thể hiện lòng thương dân và tài bình định của ông Diệm trong chủ trương “thân dân” và “dân vi qúy” trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn, thay vì biểu to sự thiên vị người công giáo di cư vốn bị tuyên truyền cộng sản gọi là “theo Chúa Mẹ vào Nam..”
Đặc biệt, trong nội các chính phủ họ Ngô, nhiều chức vụ quan trọng đã được giao phó cho người ngoài công giáo nắm giữ, chẳng hạn ông Nguyễn Ngọc Thơ làm Phó Tổng Thống, Tướng Lê Văn Tỵ làm Tham Mưu Trưởng, Tướng Tôn Thất Đính làm Tổng Trấn Sài Gòn Gia Định. Ông Nguyễn Đình Thuần làm Tỗng Trưởng Phủ Tổng Thống kiêm Phụ Tá Quốc Phòng và Ông Vũ Văn Mẫu làm Tổng Trưởng Ngoại Giao..Tất cả đều là người Phật giáo!
Thứ ba, Ngô Đình Diệm có chủ trương đàn áp Phật Giáo không? Người ta thường nêu lên 3 sự kiện để lên án ông Diệm đàn áp Phật Giáo. Một là ông Diệm cấm treo cờ Phật trong ngày Phật Đản, hai là ông Diệm cho nổ lựu đạn tại đài phát thanh Huế giết hại đàn bà trẻ con, ba là ông Diệm cho cảnh sát đột nhập chùa Xá Lợi bắt giử một số tăng ni.
Việc cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản, theo tác giả phải nói là một “tai nạn” chứ không phải một chủ trương của chính phủ họ Ngô. Thật vậy, theo lời chứng của ông Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần, thì trong một chuyến tham quan tỉnh Quảng Tín, ông Diệm đã tỏ ra giận giữ khi thấy cờ giáo đô Vatican treo ngoài phố. Ông Diệm đã ra lệnh dẹp bỏ và sau đó ban hành công văn ấn định thể thức treo cờ, theo đó, cờ tôn giáo chỉ được treo trong khuôn viên nơi thờ phượng và chỉ có cờ quốc gia mới được treo ngoài đường phố. Ông Đổng Lý Văn Phòng Quách Tòng Đức đã quên phổ biến văn thư nói trên. Đến gần ngày Phật Đản ông Đức mới gởi đi, làm cho nhiều người hiểu lầm là ông Diệm chủ ý làm khó dễ Phật Giáo. Chính ông Đức đã nhận lỗi và từ chức.
Sự kiện lựu đạn nổ tại đài phát thanh Huế, làm chết 8 trẻ em và 1 phụ nữ, theo lời kết án của Thích Trí Quang, là do lựu đạn và xe tăng của Đặng Sỹ, Phó Tỉnh Trưởng người công giáo. Tác giả phản bác lại lời kết án đó, trích nhận xét của Cao Thế Dung và Trần Kim Tuyến, xác quyết rằng “đó là một chất nổ cực mạnh mà chỉ CIA mới có được. Tên người cung cấp chất nổ đó là Đại Úy Scott. Điểm cần ghi nhận là ông Diệm đã cho thành lập Ủy Ban Hòa Giải do Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ đại diện chính phủ và Thượng Toạ Thích Thiện Minh đại diện Phật Giáo. Nhưng đáng tiếc thay, Ủy Ban không hoá giải được căng thẳng vì đàng sau, thích Trí Quang đã dật dây lèo lái dùng Phật Giáo để lật đổ ông Diệm. Đến nay,Thích Trí Quang vẫn là một câu hỏi lớn đối với tất cả những ai muốn tìm vén màn lịch sử Việt Nam.
Còn sự kiện đột nhập chùa Xá Lợi thì nữ ký giả Marguerite Higgins đã trưng dẫn nhiều chứng từ xác quyết chính các tướng lãnh làm đảo chính đã xin Tổng Thống Diệm cho phép dẹp bỏ các nhóm qúa khích, và chính họ đã từng trách cứ Tổng Thống Diệm qúa mềm yếu trong việc đối phó với Phật Giáo. Khôi hài nhất là người ta dựa vào bài viết hoàn toàn sai sự thực của ký giả Halberstam cho rằng có 4 người bị bắn chết tại Huế, để lên án ông Diệm đàn áp Phật Giáo, thực ra đó là chuyện bịa đặt, vì sau này, phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc đã phỏng vấn cả 4 người nói là đã bị bắn chết đó!
Điểm thứ tư, cũng là điểm gây tranh luận nhiều nhất, là Ngô Đình Diệm có mang tội bán nước cho cộng sản khi manh nha ý hướng hiệp thương với miền bắc Việt Nam không? Có dư luận đã khắt khe lên án ông Diệm phản bội lý tưởng chống cộng của dân Việt, và lấy đó lam động lực phát động cuộc đảo chánh, như tác giả đã viết: “Ngoại Trưởng Mỹ đã hối thúc Đại Sứ Cabot Lodge lệnh cho các tướng đảo chính phải công bố ngay lý do đảo chính là anh en Diệm bắt tay với Hà Nội.” Phải nói rằng, đây là một vấn đề gai góc, cần sự phê phán khách quan của lịch sử, vì theo tác giả, trong lúc dầu sôi lửa bỏng, bị ngoại bang áp lực nặng nề, người Mỹ đang đe dọa chủ quyền của Việt Nam, thì ý hướng hiệp thương giữa người Việt với người Việt, để tìm đường bảo vệ chủ quyền và sự độc lập, hẳn không phải là thiếu khôn ngoan hay phản bội, mà còn thể hiện lòng ái quốc chân chính.
Ngay Hồ Chí Minh, kẻ thù của ông Diệm mà còn phải nhìn nhận với Chủ Tịch Uỷ Hội Quốc Tế: “Ngô Đình Diệm là người yêu nước theo cách của ông ta..” Có thể vì kính nể ông Diệm. mà Hồ Chí Minh đã gởi tặng ông Diệm cành đào dịp Tết Qúy Mão được chưng bày trong phòng khánh tiết Phủ Tổng Thống. Chính cành đào đó đã dọn đườngcho cuộc gặp gỡ giữa Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng, bàn về hiệp thương Nam Bắc. Phải nói rằng, đã có một nỗ lực từ Ũy Hội Quốc Tế gồm Pháp, Balan và Ấn Độ với những liên lạc con thoi để tạo cơ hội cho miền Nam miền Bắc gặp nhau hấu chấm dứt chiến tranh, như lời của Phạm Văn Đồng nói với Maneli, đại diện Balan trong Ủy Hội Kiển Soát Đình Chiến: Chúng tôi thực lòng muốn chấm dứt, tái lập hòa bình trên căn bản thực tiễn.” Ông Ngô Đình Nhu cũng có cái nhìn thỏa hiệp tương tự: “Lúc này đây, chúng tôi đang quan tâm tới hòa bình và chỉ quan tâm tới hòa bình mà thôi.
Tôi tin rằng Ủy Hội Quốc Tế có thể và nên đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình cho Việt Nam.” Nhưng ngược lại với những nỗ lực hậu trường của Ủy Hội Quốc Tế, Hoa Kỳ nhất quyết chống lại ý hướng hiệp thương, coi đó là con đường đuổi Mỹ ra khỏi Việt Nam như lời xác nhận của Roger Hisman: “Mục tiêu tối đa của ông ta (Ngô Đình Nhu) là thương lượng với miền Bắc để ngưng chiến, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của người Mỹ..”
Như thế, tìm đường thoát khỏi sự khống chế của ngoại bang để bảo vệ chủ quyền và kiến tạo hòa bình, là yêu nước thương nòi thực sự, là ái quốc chân chính, dẫu biết có thể nguy hại đến tính mạng. Lòng yêu nước qủa cảm đó cần được lịch sử ghi lại với những nét son, và Ngô Đình Diệm xứng đáng để được Tổng Thống Johnson goi là Churchill Việt Nam, và Tổng Thống Eisenhower gọi là “con nguời thần kỳ”. Sau này Đỗ Thọ còn liệt ông Diệm vào bậc tiên thánh và tôn vinh ông Diệm là “vị Tổng Thống bất diệt ngàn đời.”
Câu hỏi thứ năm, cũng là câu hỏi có tính cách quyết định vị thế của ông Diệm trong lịch sử, là ai chủ trương lật đổ ông Diệm và ai trực tiếp chịu trách nhiệm về cái chết của ông Diệm? Hẳn nhiên, đã có những cái nhìn khác biệt về câu hỏi này. Về hành động thảm sát thì đến nay, nhiều tài liệu đã xác nhận tay đao phủ sát nhân là Đại Úy Nguyễn Văn Nhung, tay cận vệ thân tín của Dương Văn Minh.
Tác giả viết: “Sáng hôm sau, tướng Dương Văn Minh sai tướng Mai Hữu Xuân dẫn đầu một đoàn xe võ trang đến nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn để đón Tổng Thống. Tổng Thống và ông Nhu đã tới nhà thờ nay vào sáng sớm để dự lễ cầu hồn. Cùng đi trong xe này cò Đại Úy Nguyễn Văn Nhung, là cận vệ trung thành của ông Minh. Khi đến nhà thờ, tên Nhung đả xô Tổng Thống và ông Cố Vấn lên xe thiết giáp và đến nửa đường thì hạ sát hai ông.”
Nguyễn Văn Nhung ra tay hạ sát hai ông Diệm Nhu, nhưng người trực tiếp chỉ huy cuộc hạ sát đó là Mai Hữu Xuân, vì theo xác nhận của tác giả “khi hoàn thành nhiệm vụ về tới Tổng Tham Mưu, Thiếu Tướng Xuân đến trướcTướng Minh, dơ hai ngón tay hình chữ V báo cáo “mission accomplie”. Thế thì Tướng Xuân trực tiếp chỉ huy cuộc hạ sát, nhưng Tướng Xuân cũng chỉ thi hành lệnh tướng Minh. Kết qủa, Dương Văn Minh là người phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Diệm trước lịch sử.
Câu hỏi kế tiếp, thế lực nào đã đóng vai chính trong việc lật đổ ông Diệm? Có người cho rằng, chính Phật Giáo lật đổ ông Diệm. Người khác lại đổ lỗi cho các tướng lãnh bất trung bi CIA mua chuộc. Một cái nhìn tương đối sau sắc hơn, trong đó có tác giả Minh Võ, cho rằng động lực chính yếu tạo nên cuộc đảo chánh là sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ, chủ yếu là nhóm Diem must go” gồm 6 nhân vật gạo cội là Averell Harisman (Thứ Trưởng Ngoại Giao) Roger Hilsman( (Phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao) Michael Forestal (Phụ tá Cố Vấn An Ninh Quốc Gia) và các nhà báo Halberstam, Neil Sheelan, Malcolm Brown..
Nhưng nhóm “Diem Must Go” cũng đã chẳng làm được gì nếu không có sư nhúng tay trực tiếp của tên Đại Sứ phù thủy Cabot Lodge, và sự thỏa thuận của Tổng Thống Kennedy, như lời kết luận của cơ sơ báo chí Đại Học Cambridge trong cuốn Chiến Thắng Bỏ Lỡ (Triumph forsaken): “Tổng Thống Việt Nam bị giết bởi một số người Việt nào đó, nhưng trách nhiệm chính đổ lên đầu ông Lodge và Tổng Thống của chúng ta là người đã bổ nhiệm ông Lodge và không chịu cách chức ông ta..” Chính vì qúa uất ức trước sự phản bội của ngoại bang, giọng điệu của tác giả có lúc trở nên qúa cay cú đối với chính quyền Đệ Nhị Cộng Hòa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà tác giả coi là chính quyền tay sai của Mỹ: “Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau này được sự tham gia của nhiều trí thức thuộc các đảng đã từng chống Tổng Thống Diệm, đã mặc nhiên trở thành một thứ tay sai của Mỹ. Chính có sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ nắm trọn quyền điều khiển chiến tranh.”.
Có khi tác giả còn dùng ngôn từ của phía bên kia để gọi các nhà trí thức, dân biểu nghị sĩ và các tướng lãnh miền Nam là “lính đánh thuê cho một ngoại bang”, nếu không chứng minh được rằng, họ đang cùng Hoa Kỳ chống Hồ Chí Minh và Cộng Sản quốc tế. Thực ra, thái độ chống ngoại bang và tay sai của tác giả cũng không hẳn vô căn cứ; nhưng một cách khách quan, chúng ta cũng nên thông cảm với Tổng Thống Thiệu và chính quyền của ông, vì trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi Mỹ đã quyết bỏ rơi Việt Nam, thì dù có tài giỏi đến đâu cũng khó làm được gì hơn!
Điều đáng nói thêm là đa số các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ còn chút lương tri, đều nhận thức được trách nhiệm của người Mỹ trước cái chết của ông Diệm, mãi vẫn không gột rửa được mặc cảm tội lỗi, như McNamara đã thú nhận “chúng ta có tội”, vì chính chúng ta đã tổ chức (organize) và phát động (set in motion) cuộc đảo chính. Tổng Thống Nixon cũng hối tiếc và coi việc lật đổ ông Diệm là “lỗi lầm tệ hại nhất (critical mistake) của Hoa Kỳ.
Những trang sử đẫm máu nói trên, sau nửa thế kỷ, vẫn còn đỏ tươi. Những người đã nhúng tay viết ra những trang sử đẫm máu đó, có người đã ra đi không biết có nhắm mắt yên mồ không, có người còn ở lại không biết có ăn ngon ngủ yên không! Một điều đáng mừng là lịch sử đang dần dần được vén màn để dân Việt nói riêng và thế giới nói chung thấy sự thật hé lộ, vượt trên những hàm oan, những bóp méo và xuyên tạc cũng như tô bóng suy tôn, để trả về cho người những gì thật sự là của người. Ngô Đình Diệm phải được quyền làm con người thực của chính mình.
Ngô Đức Diễm.
* Nguồn tin tức trên ở địa chỉ dưới đây ▼
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090326_04.htm
Quí Vị thích xem tin tức mới cập nhật mỗi ngày, hoặc nghe đọc tài liệu tham khảo, xin hãy nhấn vào ▼Websites dưới đây
www.tiengnoitudodanchu.org
www.lyhuong.net
www.huyenthoai.org
Cư ngụ tại Việt Nam muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website màu xanh dưới đây. Kế tiếp đánh địa chỉ Bạn muốn tìm
www.anonymouse.org/anonwww.html
Khi đã mở Website vượt tường lửa ra xong, bạn hãy copy Web nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ vào trong cái khung nhỏ chữ Enter website address
Ví dụ: www.rfa.org/vietnamese
Hoặc copy giống dạng tương tự Link này ▼
Ví dụ: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Govert-does-not-want-people-to-involve-is-deciding-issues-of-Spartly-and-Paracel-islands-TVan-09042009155345.html
Paste (dán) vô cái khung có 3 chữ giống như ở dưới
▼
Enter website address:
Sau cùng nhấn Chuột vào hàng chữ nằm về phía bên tay phải, giống dưới đây ▼
Suft Anonymously
* Quý vị thích xem tiếp, xin nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ: Newer Post, Home, Older Posts