07 November, 2009

Tưởng Niệm Giáo Sư Nguyễn Văn Bông

Các Bạn ở Việt Nam muốn xem tin tức cập nhật mỗi ngày xin hãy nhấn vào Blog dưới đây ▼ http://www.conghoaxahoichunghiavietnam.blogspot.com/


Candle Pictures, Images and Photos

Ngày 4 tháng 11 năm 2009

H,

Thắm thoát lại đến mùa Tưởng Niệm cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người bị Cộng sản Việt Nam sát hại vì chúng quá sợ “nếu ông có cơ hội lãnh đạo Miền Nam Việt Nam thì cuộc xâm lăng của chúng khó thể tiến hành” [theo lời chúng thú nhận xem phần Phụ Lục Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông tái bản], nhứt là sau cuộc “tổng nổi dậy Mậu Thân [1968]” thất bại và mọi lừa đảo trong Hòa đàm Paris cũng chưa mang lại thắng lợi như chúng dự liệu, mà những giải mật từ những tài liệu liên quan đến cuộc chiến gần đây tuy chưa cho thấy hầu hết các chứng liệu cũng đủ cho thấy dã tâm của bọn lãnh đạo hàng đầu Cộng sản Hà Nội và hai quốc gia hàng đầu điều khiển chúng là Liên Sô và Trung Quốc cùng các nước Cộng sản.

Năm nay lễ giỗ Giáo sư Bông được Ðại Gia Ðình Nguyễn Văn Bông tổ chức tại Thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của Hoa Kỳ, lúc 1:30 pm ngày 7-11-2009, tại Jewish Center, 8900 Little River Turnpike (236), Fairfax, VA 22031. Ðồng thời, cuốn Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông cũng được Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Ngọc Huy Foundation và Mekong-Tỵnạn tái bản thêm lần nữa [in lần thứ 3] để làm lễ vật kính dâng hương linh Giáo sư như năm vừa qua ở California.

Vì những khó khăn riêng Ba không về tham dự được nên Ban Tổ Chức đã yêu cầu Ba viết bài “phát biểu” liên quan đến việc tái bản thêm lần nữa, chỉ sau một năm tái bản, và “Bài Học Thầy Bông” mà Ba đã học được trong hơn 40 năm qua, để họ nhờ người đại diện đọc thay [Trung tá Cảnh sát Ðỗ Kiến Mười]. Ba đã viết, đã gởi đi và xin cho đăng lại đây thay nén nhang tưởng niệm Thầy:

Hẹn con thư sau, Giáo Già

attention Pictures, Images and Photos Kính thưa quý vị

Ngày 10-11-1971 Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị Cộng sản Việt Nam ám sát. Tuy thời gian hoạt động trên các lãnh vực giáo dục, văn hóa và chánh trị của Giáo sư chưa đủ bốn thập niên, nhưng Giáo sư cũng đã để lại một di sản vô cùng phong phú, hầu hết tản mác trên khắp các bài giảng ở các giảng đường đại học, trên các tạp chí và đặc biệt trên các Nguyệt san Cấp Tiến và Nhựt báo Cấp Tiến do Giáo sư làm Chủ nhiệm và Giám đốc Chánh trị... Một năm sau khi Giáo sư qua đời, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tập trung một số bài viết tiêu biểu của Giáo sư Bông cho in thành cuốn Di Cảo đầu tiên do Nhà xuất bản Cấp Tiến ấn hành tại Sài Gòn năm 1972.

Ðến ngày Quốc nạn 30-4-1975 Cộng sản Bắc Việt tràn vào Sài Gòn, hoàn tất cuộc xâm lăng Miền Nam Việt Nam, chúng cho truy diệt tất cả mọi công trình văn hóa của Miền Nam. Từ đó, di sản văn hóa của Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị hoàn toàn hủy diệt, trong đó cuốn Di Cảo đầu tiên coi như bị mai một.

Trong mấy năm gần đây, tôi may mắn được một Luật sư qua Mỹ theo chương trình HO trao cho cuốn Di Cảo Giáo sư Nguyễn Văn Bông được anh cất giấu như báu vật. Anh dặn tôi đừng để mất, nếu nhà xuất bản Mekong-Tỵnạn chịu xuất bản thì chắc chắn phần di sản quý báu nhỏ nhoi này của Giáo sư Nguyễn Văn Bông sẽ không bị mai một như một số lớn di sản khác. Tôi nhận lời. Sau đó, liên lạc với bà quả phụ Jackie Bông để xin tái bản nó ở Hoa Kỳ và được chấp thuận. Lập tức, Nguyễn Ngọc Huy Foundation và Mekong-Tỵnạn tiến hành việc tái bản với phần Phục Lục gồm một số bài viết làm sáng tỏ vụ án Việt cộng ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông, và sáng tỏ thêm nữa tư tưởng văn hóa và chánh trị của Giáo sư mà mãi cho tới non 40 năm sau vẫn còn giá trị, chắc chắn nó sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho những người làm văn hóa và chánh trị trên đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam Tự do Dân chủ Hiến định và Pháp trị.

Cuốn Di Cảo được tái bản để làm lễ vật kính dâng hương linh Giáo sư trong ngày giỗ năm vừa qua, do các môn sinh Quốc gia Hành chánh của Thầy tổ chức tại Nam California, đã được dư luận hân hoan đón nhận. Ông Nguyễn Công Lượng, cựu Sinh viên Ðốc sự 16 Học viện Quốc gia Hành chánh, trong một bài điểm sách đã nhận xét:

“...Ðứng trên quan điểm Xây Dựng Ðất Nước, muốn Việt Nam trở thành một Quốc Gia Dân Chủ Thật Sự, để có được uy tín trên trường quốc tế và trở thành hùng mạnh theo ý nghĩa là những con rồng, con hổ tại Ðông Nam Á Châu thì những tư tưởng của Giáo sư Nguyễn Văn Bông không lỗi thời chút nào. Tất cả những tư tưởng của ông tuy trình bày rất cô đọng và ngắn gọn nhưng lại là Kim Chỉ Nam cho việc Xây Dựng và Phát Triển Ðất Nước Việt Nam... Cộng sản giết ông vì những tư tưởng và những việc làm của ông trong công cuộc xây dựng nền dân chủ tự do và nhân quyền cho đất nước Việt Nam trong đó không có chỗ đứng của chủ nghĩa Cộng Sản”.

Cuốn Di Cảo tái bản được phát hành sau lễ giỗ chưa đầy một năm đã tuyệt bản, và một lần nữa, được sự chấp thuận của gia đình Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Ngọc Huy Foundation và Mekong-Tỵnạn hân hạnh tái bản thêm một lần nữa để làm lễ vật kính dâng hương linh Thầy trong lễ giỗ năm 2009 mà quý vị thấy nó được trang trọng đặt trên bàn thờ trước mặt quý vị.

Trong lần tái bản mới, với bản in lần thứ 3, Di cảo có thêm Phần Phụ Lục II gồm những bài viết giá trị góp phần nói lên đức độ chánh trị tuyệt vời của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, nhà giáo dục kiệt xuất của Học viện Quốc gia Hành chánh, của Ðại học Luật khoa Sài Gòn, và của người lãnh đạo Phong trào Quốc gia Cấp tiến, khiến sách dày hơn 500 trang.

Kính thưa quý vị,

Trong tác phẩm “Bài Học Thầy...” do nhà xuất bản Mekong-Tynan ấn hành năm 2000 và tái bản năm 2005, tôi có nhắc lại rằng trong đời tôi có 3 vị thầy tôi không được hân hạnh học giờ nào, ở bất cứ giảng đường nào, hay lớp học nào, nhưng tôi đã học được rất nhiều điều hữu ích, giúp tôi bước vào đường chánh trị, và vững tiến trên con đường mình đã chọn, cho đến ngày hôm nay. Ðó là các Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Văn Bông và cố Tổng thống Trần Văn Hương. Tính đến nay đã non 4 thập niên, kể từ khi Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị Cộng sản Việt Nam sát hại, những điều tôi học được nơi Thầy vẫn còn nguyên giá trị.

Trong tư thế thành viên của Chủ tịch đoàn Phong trào Quốc gia Cấp Tiến, tôi được nhiều lần hội họp với Thầy, đặc biệt là trong các lần được Thầy mời họp mặt ở tư thất của Thầy, nằm trên đường Phan Thanh Giản, hầu như lúc nào tôi cũng được học ở Thầy những bài học quý giá. Tôi xin nhắc lại đôi ba bài học sáng giá:

1. Về “Giáo Dục Công Dân”. Bài học nầy Thầy đã viết thành “Lập Trường” đăng trên nhựt báo Cấp Tiến, do Thầy làm Giám đốc Chánh trị [23-4-1970]. Thầy không ngần ngại viết:

“Chánh trị thường có tiếng không tốt. Vì đó mà mọi vấn đề liên quan đến chánh trị đều không tốt cả. Và cũng vì đó mà nhiều người hay phản đối rằng hành vi của mình có tính cách chánh trị. Trong khi đó chánh trị là tất cả, là trọng tâm của sinh hoạt con người. Vấn đề đặt ra là làm sao khêu gợi cho công dân ý thức được sự hiện hữu của cuộc sinh hoạt cộng đồng và tầm quan trọng của chánh trị trong việc chuyển hướng quốc gia... Cuộc sinh hoạt chánh trị dựa trên những bất đồng, dị biệt, dựa trên sự hòa giải những mâu thuẫn có thể tránh. Chánh trị bắt buộc phải dựa trên một sự chọn lựa có thể chấp nhận được cho một số đông người giữa những giải pháp có thể được. Chính cái tính cách đa nguyên ấy và tính cách tương đối của nhận thức chánh trị cần phải được nhấn mạnh”.

2. Về nhận diện thái độ “Phi Chánh Trị”: Quan niệm “Giáo Dục Công Dân” phản ảnh lập trường của Thầy khi lên án thái độ phi chánh trị của đa số công dân và những nhà lãnh đạo, trong lúc chính yếu tố chánh trị làm thành sự sống còn của đất nước. Thầy cho rằng:

“...vì chánh trị và nhơn danh chánh trị người ta quay cuồng trong những trò chơi khốn nạn, ném đá giấu tay, người ta dám có những hành động bán nước hại dân để rồi, dư luận xảo trá, bịp bợm, xôi thịt, bè phái được gắn liền với danh từ chánh trị. Và từ đó, công dân chán ghét chánh trị, cho chánh trị là một địa hạt không liên quan đến mình, trở về cuộc sống riêng tư và chuyên môn, phó mặc sinh hoạt chánh trị cho những ‘anh hùng chuyên môn tán dóc’. Thái độ thụ động và bàng quan nầy là một trở ngại cho công cuộc chống Cộng hiện nay và nếu còn tiếp tục, sẽ có hậu quả không hay cho tương lai của nền dân chủ... Thái độ phi chánh trị là nguyên nhơn của sự suy đồi chánh trị. Rất nhiều chế độ đã bị lật đổ vì đã trốn chánh trị, đã từ khước sự tham gia của công dân. Thay vì giữa chánh quyền và nhơn dân nên có một luồng điện thông cảm và cùng giải quyết các vấn đề, người ta chỉ thấy trong chế độ nầy những diễn văn rườm rà, những danh từ trống rỗng, một tinh thần vô trách nhiệm... Sinh hoạt chánh trị tại Việt Nam đã dứt khoát hay chưa, với thái độ phi chánh trị nầy?”

Non 40 năm sau, hệ quả của câu hỏi nầy đã thể nghiệm phần nào qua câu nói của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, khi Ngài lên tiếng “Chúng tôi [Phật giáo] không làm chánh trị, nhưng chúng tôi phải có thái độ chánh trị”. Lời nói cùng thái độ nầy đã được quần chúng cả trong lẫn ngoài nước nhiệt liệt hoan nghinh.

3. Về Ðối Lập: Theo Thầy, người công dân không thể phi chánh trị, không thể đứng bên ngoài chánh trị, mà phải tham gia chánh trị, cho dầu ở bất cứ vị thế nào, vị thế của chánh quyền hay đối lập với chánh quyền.

Nếu triết lý chánh trị là đối lập thì tham gia chánh trị phải mang tính nghệ thuật: nghệ thuật chánh trị; một nghệ thuật đa dạng, uyển chuyển và đòi hỏi hành động trong tinh thần tập thể, trong khuôn khổ tương kính và pháp trị. Theo đó:

■ Tập thể, tức là phải đấu tranh trong khuôn khổ đoàn thể hay đảng phái, trong khuôn khổ của một số người có cùng chánh kiến, cùng quan điểm, cùng lập trường và cùng một kế sách hành động, cho dầu họ đang nắm chánh quyền hay đang ở trong vị thế đối lập đứng ngoài chánh quyền. Có khi đối lập xảy ra ở cùng trong một chánh quyền theo thể chế dân chủ tự do, như nội các liên hiệp giữa các đảng có lập trường không giống nhau, do nhu cầu kết hợp để thành lập cho được một chánh phủ, khi một đảng không hội đủ đa số để thành lập nội các chỉ gồm những người trong đảng của mình.

Mọi người, dầu tài ba thế mấy, nếu hành động đơn độc sẽ là thứ “người hùng cô đơn”, một mình nói một mình nghe, một mình làm một mình thấy, chẳng ai để ý, chẳng có tác dụng nào. Lắm lúc vì đơn độc nên họ dễ bị rơi vào chỗ bốc đồng, khiến hành động của họ chẳng những không làm người có trách nhiệm để ý lắng nghe, mà còn gây bực bội cho người chung quanh.

Do đó, muốn làm chánh trị trước hết con người phải tham gia một đoàn thể hoặc đảng phái chánh trị hợp pháp, để tiếng nói và sự đấu tranh của họ được đối phương lưu ý lắng nghe, có thể được chấp nhận hay không được chấp nhận, nhưng tiếng nói và sự tranh đấu đó sẽ không rơi vào chỗ cá nhơn tự động tự phát, thứ tự động tự phát thường xảy ra nay thế này mai thế khác. Cá nhơn đơn độc, hoạt động riêng rẽ, nói chẳng ai nghe, làm chẳng ai chịu nhận.

Phải hoạt động trong tinh thần tập thể. Phải có tập thể mới tạo được đa số áp lực khiến đối phương phải nghe và lắm khi buộc được họ làm theo ý mình.

■ Tương kính, tức là phải coi đối phương của mình nếu không trên mình thì ít nhứt cũng ngang hàng với mình, để mình khỏi phải so đo khi kính trọng họ cũng như mong được họ kính trọng mình, để cả hai cùng kính trọng nhau trong khi đối thoại hay đương đầu với nhau. Không kính trọng đối phương rất dễ khiến ngôn từ không được tự chế, đôi khi vì bất đồng quan điểm mà nặng lời mạt sát nhau, hoặc triệt hạ nhau không nương tay, nên dễ đưa tới chỗ thù nghịch. Hậu quả tai hại là mai sau khi có chuyện đồng thuận, khi nhu cầu cần kết hợp nhau cho một công tác chung, một cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, hai bên rất khó ngồi lại bên nhau, và mưu sự vì vậy khó đạt thành như ý.

Tuyệt đối tránh những trường hợp nặng lời công kích hoặc xúc phạm đến cá nhơn những người trách nhiệm, để tránh những hiềm khích, thù hằn, có hại cho tinh thần hợp tác về sau. Ðừng biến nhau thành thù nghịch rồi không hợp tác được với nhau trong cuộc đấu tranh chung mà kẻ thù duy nhứt và trước mắt là cộng sản độc đảng độc tài.

■ Pháp trị, tức là tất cả phải đặt Hiến pháp và luật pháp lên trên tất cả. Tất cả phải hoạt động công khai và hợp pháp, chớ không thể hoạt động lén lút. Ðoàn thể, đảng phái không được hoạt động như một hội kín, ngoài vòng pháp luật, như thời Pháp thuộc các đảng phái hoạt động võ trang đánh quân xâm lược giành độc lập cho quốc gia. Nếu đảng đối lập có cơ may cầm quyền thì cũng phải trị nước trong khuôn khổ Hiến Pháp và thượng tôn luật pháp, để quốc gia được bình trị. Tuyệt đối tránh mọi trường hợp thiên vị, lập bè kết cánh áp chế người yếu thế, và tranh đoạt những quyền lợi bất chánh về phe mình.

Non 4 thập niên trôi qua rồi mà khi nhắc tới Giáo sư Nguyễn Văn Bông, tôi bùi ngùi nhớ lại đức độ khiêm cung nhã nhặn của Thầy đối với tất cả mọi người, nhớ tới lòng tốt Thầy lúc nào cũng dành cho sinh viên và tất cả những ai gần gũi Thầy, tôi rất vui mừng được nghe Giáo sư Cao Thị Lễ nhắc nhớ lòng tốt của Thầy đối với sinh viên trong dịp gặp gỡ cuối năm 2007. Tôi cũng nhớ lại câu hỏi được ký giả Phạm Trần đặt ra là: “Nếu vụ ám sát không xẩy ra thì Giáo sư Nguyễn Văn Bông nói riêng và Phong trào Quốc gia Cấp tiến sẽ đóng góp được những gì cho việc tìm kiếm một Giải pháp Chính trị cho cuộc chiến Cộng sản Bắc Việt xâm lăng Miền Nam Việt Nam lúc đó?”

Câu hỏi về một người đã qua đời nên không có câu trả lời; nhưng điều tôi dám quả quyết là những bài học của Thầy dành cho tôi và các môn sinh của Thầy ở Học viện Quốc gia Hành chánh, ở trường Ðại học Luật khoa Sài Gòn, ở một số trường Ðại học khác, và các chiến hữu của Thầy trong Phong trào Quốc gia Cấp Tiến vẫn còn là kim chỉ nam giúp chúng tôi từ bỏ thái độ phi chánh trị, kim chỉ nam cho cuộc dấn thân vào trường chánh trị, trên đường quang phục quê hương, giải thể hoặc chuyển hóa Cộng sản từ độc đảng độc tài sang tự do dân chủ Hiến định và Pháp trị.

Kính thưa quý vị,

Hôm nay, trong ngày giỗ năm thứ 38 của Thầy, xin phép quý vị cho tôi có đôi lời thưa riêng xin Thầy tha lỗi đã không về dự như mọi năm, vì những khó khăn riêng. Xin cô Jackie Bông vui lòng đốt giúp một cây nhang cắm lên bàn thờ Thầy bày tỏ lòng thương kính không nguôi của đứa học trò không được làm môn sinh của Thầy nhưng lại được may mắn học ở Thầy những lời dạy vô cùng quý giá.

Trân trọng cám ơn quý vị đã lắng nghe và kính chào quý vị

Trần Minh Xuân

Địa chỉ tin tức trên

http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20091104_03.htm


mid line Pictures, Images and Photos

Photobucket
Quí Vị thích xem tin tức mới cập nhật mỗi ngày, hoặc nghe đọc tài liệu tham khảo, xin hãy nhấn ▼vào Websites dưới đây

www.tiengnoitudodanchu.org
www.lyhuong.net
www.huyenthoai.org

Cư ngụ tại Việt Nam muốn vượt tường lửa nhanh, hãy nhấn vào Website màu xanh dưới đây. Kế tiếp đánh địa chỉ Bạn muốn tìm

▼ Vượt Tường Bức Lửa (Anti Firewall ▼)

www.anonymouse.org/anonwww.html


Khi đã mở Website
vượt tường lửa ra xong, bạn hãy copy Web nào muốn tìm, hoặc đánh địa chỉ vào trong cái khung nhỏ chữ Enter website address

Ví dụ: www.rfa.org/vietnamese

Hoặc copy giống dạng tương tự Link này
Ví dụ:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Govert-does-not-want-people-to-involve-is-deciding-issues-of-Spartly-and-Paracel-islands-TVan-09042009155345.html

Paste (dán) vô cái khung có 3 chữ giống như ở dưới


Enter website address:


Sau cùng nhấn Chuột vào hàng chữ nằm về phía bên tay phải, giống hàng dưới đây

Suft Anonymously

* Quí vị thích xem tiếp, xin nhấn chuột vào 1 trong 3 chữ: Newer Post, Home, Older Posts

Blog Archive